KTS. Võ Thành Lân: "Lao động làm người ta lớn lên"

06/10/2016 Võ Thành Lân Tuoitreonline
3835
0

Trong giới kiến trúc sư, Giám đốc Công ty Tư vấn kiến trúc - xây dựng Võ Thành Lân được khá nhiều người biết đến. Anh từng nhận giải thưởng Ý tưởng của Hội kiến trúc sư quốc tế năm 1981 lúc còn là giảng viên trẻ trường Đại học Kiến trúc TP. HCM.

(Ảnh bên: Kiến trúc sư Võ Thành Lân)

Khiêm tốn khi nói về mình, nhưng đụng đến hiện trạng kiến trúc đô thị, anh thẳng thắn và không né tránh. Có lẽ vì vậy mà người mến anh nhiều, người không ưa anh cũng chẳng ít.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại văn phòng và cũng là nhà riêng của anh - nằm trong một con hẻm yên tĩnh trên đường 3/2, quận 10 vào một buổi sáng trung tuần tháng 8 - khi đường phố Sài Gòn bắt đầu ào ào cho cuộc chạy đua vào ngày mới.

* Từng đứng trên bục giảng trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh hơn mười năm, đâu là nguyên do khiến anh từ bỏ để ra ngoài làm ăn trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn?

- Nhiều người nói tôi dại: Người muốn vào không được trong khi người ở trong thì lại muốn ra. Lý do tôi ra đi là vì nhiều khi tôi phải dạy cả những điều mà mình không chắc chắn. Thậm chí những gì mình biết cũng chưa chắc đúng. Giáo dục đại học là cọ xát để tạo ra cái mới. Điều học trò cần ở người thầy là những trải nghiệm cá nhân chứ không chỉ là những trang giáo trình.

* Có thể hiểu quyết định ra đi của anh là sự tự trọng?

- Tôi muốn làm những công việc hữu ích phù hợp với khả năng của mình. Tôi nói điều này có thể khiến nhiều người sẽ buồn, nhưng thực tế là không ít giảng viên bây giờ là những người từng thất bại trong nghề nghiệp hoặc chưa từng làm nghề bao giờ. Chưa đến 10% sinh viên kiến trúc ra trường làm đúng chuyên môn, vậy thì số còn lại đi đâu? Không hiếm những người trong số đó tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ để tìm một vị trí quản lý, tìm một nơi mà không phải làm nghề mà vẫn sống được, thậm chí sống rất khỏe. Người ta học cao lên không phải vì muốn trau dồi nghề nghiệp mà để bỏ nghề.

* Phải chăng thiếu những kiến trúc sư giỏi là một trong những lý do dẫn đến hiện trạng lộn xộn trong kiến trúc đô thị?

- Người Pháp nói thế này: “Mỗi ngôi nhà là một ước mơ”. Xây ngôi nhà cũng là một cách thể hiện ước mơ. Ngày xưa, ngôi nhà là tổ ấm, là nơi giữ gìn những tập tục truyền thống và là không gian riêng. Còn giờ đây, ngôi nhà đã trở thành giao điểm xã hội vì có thể sử dụng vào nhiều mục đích, nhất là những căn nhà mặt phố. Nhằm mục đích thương mại thì phải nổi trội mới dễ thu hút sự chú ý. Cách tốt nhất là chen nhau, ngoi lên. Chẳng hạn một khu phố dài trăm thước với hai dãy khoảng 40 căn nhà. Mỗi căn là một tác phẩm kiến trúc, rất đẹp, nhưng nhìn lại thì chúng ta không có một khu phố tử tế.

Có dịp đi qua cầu Thăng Long (Hà Nội), nếu để ý bạn sẽ thấy tượng một bầy ngựa đen trước cửa khu đô thị mới Ciputra. Về nguyên tắc, chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng nên chắc chắn trước đó họ đã nghiên cứu thị trường rất kỹ, cụ thể là giới thượng lưu. Kiến trúc ấy đúng là không giống ai, rất kỳ cục vậy mà họ vẫn bán được và bán với giá rất cao. Hóa ra, không phải công trình đó kỳ cục mà là người nước ngoài đang nhìn chúng ta như vậy đấy. Tôi không phê bình kiến trúc, tôi nhìn cách họ rao hàng để xem họ đang nhìn chúng ta như thế nào.

* Dù gì thì có một ngôi nhà đẹp là nhu cầu chính đáng của chủ nhân.

- Nói như vậy không có nghĩa là trút hết trách nhiệm thẩm mỹ cho người dân. Quản lý đô thị, theo tôi, là trách nhiệm chính của chính quyền địa phương, tạo nên diện mạo đẹp và chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Hãy xem cách làm của Trung Quốc. Họ xác định rất rõ rằng 80% dân số ở đô thị là người có thu nhập từ mức trung bình trở xuống. Ví dụ như họ có những giải pháp chống sốt đất bằng việc cấm ngặt chuyện xây nhà lẻ tẻ. Nhà ông bà để lại thì cứ ở, nhưng nếu muốn xây lên thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, chẳng hạn như mặt bằng phải rộng một ngàn mét vuông trở lên, chiều cao tối thiểu là mười tầng… Nếu mục đích xây dựng là cho thuê thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Việc giá đất đô thị của chúng ta quá cao đang khiến người giàu càng giàu, còn người nghèo bị đẩy lùi ra khỏi đô thị.

Đặc trưng của đô thị Việt Nam là nhà ống (nhà cao tầng xây trên diện tích nhỏ) và xe máy. Tôi nghĩ hai yếu tố này không còn là hiện tượng, diện mạo mà đã trở thành bản sắc của Việt Nam. Tại sao nông thôn đất đai rộng rãi mà vẫn xây nhà ống. Hội chứng mặt tiền đã lan đến nông thôn. Đường mở đến đâu, giá đất lên đến đấy. Xe máy và nhà ống đã biến ngôi nhà Việt Nam thành những cái chợ. Đô thị lớn thành chợ lớn, đô thị nhỏ là chợ nhỏ, còn người ở đô thị trở thành “kẻ chợ”. Mà đã ở chợ thì phải tuân thủ theo nguyên tắc chợ, mua càng rẻ càng tốt, bán càng đắt càng hay, ấy là chưa nói đến chuyện gian dối trong mua bán - một dấu hiệu đặc thù của những khu vực kinh tế nhỏ lẻ.

* Vậy còn vai trò của kiến trúc sư thì sao, thưa anh?

- Trước kia, kiến trúc sư làm nhiệm vụ cân đối giữa kinh tế, kỹ thuật và thẩm mỹ, nhằm tạo nên một sản phẩm có tính chất sáng tạo. Còn hiện tại, kiến trúc sư là người triển khai ý tưởng của nhà đầu tư. Trào lưu hiện nay là kiến trúc phải mang tính quốc tế. Thế nên mới có chuyện cầm bản vẽ thiết kế đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế tòa nhà của một doanh nghiệp, vị chủ tịch hội đồng quản trị đã thốt lên: “Đây là bản vẽ Việt Nam thiết kế à?”. Thiệt tình, một số công trình chúng tôi thiết kế nhưng người ta vẫn yêu cầu phải để tên các công ty nước ngoài để… dễ tiếp thị.

* Làm nghề mà không được chính danh. Tại sao anh không liên kết với những đối tác nước ngoài, nếu liên kết anh sẽ danh chính ngôn thuận?

- Đúng là thực tế có những văn phòng kiến trúc liên kết với những đối tác nước ngoài. Tôi không làm điều đó vì không thích, nhưng hợp tác trong một giai đoạn nhất định thì được.

Không chính danh là sự cay đắng trong nghề nghiệp. Người ta liên tục khoác lên những chiếc áo nọ áo kia, đến lúc nào đó thì quên mất mình là ai, không biết là bụt hay ma. Khi đưa bản vẽ qua Singapore ký thì mới biết công ty bên đó có đúng hai người, văn phòng thì bằng đúng phòng làm việc của tôi.

* Anh có quyền từ chối chứ?

- Chúng tôi cần công việc để tự nuôi sống mình. Thêm nữa, đó cũng là cơ hội để tự khẳng định mình. Hãy làm công việc của mình thật tốt, thay vì bực mình với chủ đầu tư. Khách hàng càng khó chịu thì mình càng phải chịu khó. Ngôi nhà xây lên người ta hỏi đơn vị thiết kế chứ mấy ai quan tâm đến chủ đầu tư. Lao động làm người ta lớn lên, nhất là những người mới vào nghề. Tôi biết nhiều người ngày càng trưởng thành trong nghề nghiệp và đến một lúc nào đó thì có thể chính danh.

* Nhiều người nói Võ Thành Lân chảnh, khi đấu thầu người ta thường làm hai phương án, còn anh thì chỉ một. Có bao giờ vì vậy mà anh mất hợp đồng?

- Thực tế là có những khách hàng đến đặt thiết kế không phải vì mục đích xây dựng, mà để chạy vốn, để xin mặt bằng… nên chuyện được mất đôi khi cũng giống như tích “Tái ông thất mã”. Còn chuyện một phương án thì ngôi nhà xây lên người ta hỏi đơn vị thiết kế chứ mấy ai hỏi người chọn phương án.

Tôi và một số anh em kiến trúc sư đang bàn bạc để thành lập một câu lạc bộ, kêu gọi sự góp mặt của những người làm ăn đàng hoàng. Những dự án khuất tất thì chúng tôi đồng loạt không tham gia.

* Nhưng có những dự án dù muốn các anh cũng không thể tham gia, chẳng hạn như cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội?

- Quy định đơn vị dự thi phải từng thiết kế nhà quốc hội thì đúng là chúng tôi không đủ điều kiện. Chuyện này khôi hài như việc muốn ra ứng cử thủ tướng thì phải từng làm thủ tướng.

* Anh đã nhiều lần lên tiếng đề nghị thành lập kiến trúc sư đoàn nhưng kết quả thì chưa đi đến đâu?

- Trên thế giới hầu như nước nào cũng có kiến trúc sư đoàn. Đây là tổ chức quyết định ai đủ tiêu chuẩn hành nghề và hành nghề như thế nào. Những người tham gia phải tuân thủ một số nguyên tắc. Thứ nhất là không ăn lương nhà nước, ngoại trừ những người đang tham gia giảng dạy kiến trúc. Thứ hai là không được làm thi công, không sản xuất buôn bán vật liệu xây dựng. Thứ ba là không được ký tên vào những bản vẽ mà mình không tham gia thiết kế. Thứ tư là không được phá giá và cuối cùng là không được đánh bóng thương hiệu bằng cách này hay cách khác.

Nếu được thành lập thì tổ chức này không những hỗ trợ nhà nước rất nhiều trong công tác quản lý đội ngũ kiến trúc sư mà còn làm tham mưu cho người dân. Ở Mỹ, có những công trình chỉ cần chữ ký của kiến trúc sư là được phép xây dựng. Bởi lẽ, kiến trúc sư phải hiểu luật và chịu trách nhiệm. Nếu làm sai sẽ bị treo thẻ hành nghề, tức là treo niêu luôn.

Chuyện này tôi nói hơn mười năm nay, nhiều người không thích.

* Đó là trách nhiệm của kẻ sĩ. Nhưng việc nói hoài mà chưa thay đổi có khiến anh nản?

- Tôi vẫn thường xuyên nói và sẽ tiếp tục nói.

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm

* Là một thành viên trong ban giám khảo chấm đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó anh đã phản ứng rất gay gắt về cuộc thi này qua một bài báo?

- Thi quy hoạch là định trước sự phát triển cho một vùng đất, căn cứ trên thực tế về lịch sử, địa chính, môi trường, khí hậu… Thành phần ban giám khảo một nửa là người Việt, một nửa là người nước ngoài. Không riêng tôi mà các giám khảo nước ngoài rất ngạc nhiên vì mặc dù là khu đô thị nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh - nơi dân cư tập trung cao nhất cả nước - mà không hề có một đồ án dự thi nào đề cập đến việc những người dân sẽ sống và làm việc ở đó.

* Theo kết quả đã công bố thì đồ án được chọn là một đồ án nước ngoài. Không lẽ đồ án này cũng không bàn đến vấn đề dân sinh?

- Chúng ta không đặt đề tài thì họ đâu cần làm cho rắc rối. Với họ, cuộc thi này là một thương vụ. Công trình này vì nhân sinh hay vì cái gì? Hay là ngay bản thân chúng ta cũng chưa biết mình muốn gì? Kiến trúc là chuyện của mình, mình không biết mình muốn gì thì làm sao những người ở xa lắc xa lơ đến biết được.

* Tâm huyết như vậy sao anh không tham gia cuộc thi này?

- Tôi có đăng ký tham gia thi nhưng thành phố đề nghị tôi tham gia chấm đề tài. Làm giám khảo đương nhiên là không được dự thi. Trước khi nhận lời, tôi có nói rằng dù với cương vị giám khảo hay thí sinh thì cuộc thi này cũng là nơi tôi bày tỏ quan điểm. Chuyện ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm… là hệ quả của sự phá sản trong quy hoạch đô thị thành phố. Tôi quan niệm Thủ Thiêm sẽ trở thành miếng vá, trám lại những vết thương của thành phố.

Một giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có phát biểu rằng quy hoạch Thủ Thiêm sẽ khiến mực nước Sài Gòn dâng thêm hai tấc. Thêm nữa, Thủ Thiêm còn một khu vực với hệ sinh thái được xem là nguyên sơ như thời cha ông ta đi mở đất cách nay 300 năm. Mất khu vực này là Sài Gòn mất dấu luôn. Người dân ở khu vực này rất nghèo nhưng tôi không đồng tình việc xóa nghèo bằng cách di dời họ đi chỗ khác.

* Vậy mà nhiều khi người ta vẫn tự bằng lòng về những chỉ số tăng trưởng?

- Phúc lợi xã hội là một trong những thước đo của sự phát triển. Giả Bình Ao - nhà văn Trung Quốc - có viết một truyện ngắn, mà tôi rất tâm đắc. Chuyện rằng có một ông thầy giáo trường làng khi vô lớp nói mọi ngày mình học chữ, hôm nay tôi muốn các em học cái gì khác ngoài chữ. Ông thầy lấy ra một cái lọ, bày đá cuội, sỏi, cát và nước rồi hỏi học trò nên bỏ những gì. Học trò nói bỏ lần lượt đá cuội, sỏi, cát và nước. Khi đã đầy thì ông thầy giáo mới hỏi: Nãy giờ thầy đều làm theo lời các trò, thầy muốn hỏi ý nghĩa của công việc thầy làm là gì.

Đám học trò rất hoang mang, sau khi bàn bạc với nhau, một đứa trả lời rằng trên đời có những thứ tưởng rằng đã đầy nhưng thực ra thì chưa, vẫn có thể bỏ thêm được nữa. Ví dụ như có những người rất giàu nhưng vẫn muốn giàu thêm, có những người rất giỏi nhưng vẫn liên tục trau dồi kiến thức… Ông thầy trả lời rằng các trò nói rất có lý nhưng điều ông muốn gieo vào đầu học trò là trước khi làm gì, hãy nghĩ đến hòn cuội của mình. Khi đã sai quy trình thì dù có bươi, có nhét thì kết quả cũng không đến đâu cả. Quy hoạch đô thị cũng vậy thôi, người ta đang làm mà không biết hòn cuội của mình ở đâu.

* Nói chuyện quy hoạch đô thị hoài mệt thiệt. Đất nước ta đang hối hả xây dựng như một đại công trường và kiến trúc sư được xem là một nghề đang vượng. Chắc anh giàu lắm?

- Chừng nào còn sợ mất của cải là còn chưa giàu. Tôi quan niệm người giàu có là người không sợ mất gì cả, thậm chí càng xài, càng chia sẻ, càng có. Ở khía cạnh này, tôi rất giàu. Còn nếu dùng thước đo bằng mức độ tích trữ của cải, tôi không giàu. Tôi nói với các con mình rằng đừng trông mong gì ở cha mẹ, ráng mà học cho giỏi.

* Ba trong bốn cậu con trai của anh đang học ở Mỹ. Anh là người khôn ngoan khi đầu tư vào giáo dục con cái?

- Tôi nghĩ kiến thức ở đâu cũng có thể học được. Nhưng Mỹ là môi trường cổ xúy mạnh nhất chuyện tự lập và tự chịu trách nhiệm. Con lớn của tôi năm nay 24 tuổi, đi bán xăng, chạy bàn… để trang trải tiền ăn học. Tôi mới cho thêm hai đứa nữa qua bên đó, trông gương anh của chúng nó mà sống.

* Liệu có ai trong số các con sẽ nối nghiệp cha?

- Không có ai cả. Nếu thích thì tôi khuyến khích, không thì tôi cũng chẳng ép.

* Anh có tiếc nuối vì không có người nối nghiệp?

- Không hề. Tôi không muốn các con tôi trở thành bản sao của mình. Bởi một lẽ tự nhiên, bản sao thì bao giờ cũng mờ nhạt hơn.

* Nghe nói mỗi tuần anh thường xuyên dành nửa thời gian sống ở nông thôn. Dường như anh rất tin tưởng các cộng sự trẻ?

- Những gì anh em làm được thì nên để cho họ làm. Một số người đã trở thành đối tác của tôi, hưởng thu nhập trên lợi nhuận của công ty, thay vì lương tháng hoặc lương trên sản phẩm. Nhưng tôi không thích nhìn nhận họ ở góc độ tuổi tác. Nghề kiến trúc là tổng hòa của nhiều mối quan hệ xã hội, từ tiền bạc, văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức cho đến tâm linh. Người Pháp nói một câu rất hay: “Muốn trở thành kiến trúc sư, râu phải dài tới rún”. Vả lại, về nông thôn giúp tôi có đủ thời gian và sự yên tĩnh để suy ngẫm. Rảnh rang thì tắm suối, câu cá và đọc sách.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1513
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy